Hà Huy Thanh sớm “có tiếng” từ thời sinh viên khi triển khai nhiều dự án cộng đồng, khởi nghiệp ngay khi còn đang học và đứng vai trò biên dịch bộ sách bán chạy là Sơ đồ tư duy của Tony Buzan.
Cho đến tuổi 35, anh nối dài những bất ngờ về bản thân bằng việc cho ra đời cuốn sách Tình thương. Rồi khi còn chưa thực hiện cho hết những kế hoạch với tác phẩm đầu tay thì cuốn thứ hai – Việt Nam quốc gia của tình thương – vừa ra mắt sau tròn một năm.
Tác giả Hà Huy Thanh. |
Tình thương tồn tại như mặt trời
– Chủ đề và tựa sách Tình thương khó gây chú ý giữa “biển sách”. Vậy điều gì khiến anh nhất định cho ra tới 2 cuốn, trong khi xem mục lục sẽ thấy ngay ở 2 cuốn thì 7 chương có tên hoàn toàn… giống nhau dù nội dung khác nhau?
Tôi không phải nhà văn, chẳng phải nhà triết học, viết sách là sự thôi thúc nội tâm đưa ra một khái niệm chưa ai đưa ra nhưng nó thiết thực với chúng ta. Tôi không đi làm cái việc cạnh tranh sự nổi bật về hình thức; như hơi thở, ta có thấy nó đâu mà nó vẫn tồn tại và không có nó thì không ai sống được.
Tên chương giống nhau vì tôi tôi trọng những nguyên lý căn bản mà hai cuốn sách đặt ra nên giữ nguyên còn nội dung thì khác chứ. Vì đây là hành thuyết nên cuốn trước nói về nguyên lý và những cuốn sau là cách thực hành.
7 chương đó đều về nguyên lý và cấu trúc của tình thương là Thấu hiểu gồm: 1. Thấu hiểu bản thân, 2. Thấu hiểu người khác, 3. Thấu hiểu hoàn cảnh; đến Chia sẻ gồm: 4. Ban tặng, 5. Biết ơn; và Kiến tạo giải pháp gồm: 6. Bộ não, 7. Hệ thống niềm tin cài đặt thì giống nhau là phải rồi. Cái khác nhau là về cách ứng dụng cho cá nhân và cộng đồng, do sự khác nhau về căn cơ thứ lớp cũng như phước báu và nghiệp lực.
Bộ đôi sách Tình thương và Việt Nam quốc gia của tình thương. |
– Theo anh, chúng ta đang thiếu tình thương đến mức độ nào?
Chúng ta thiếu thì rõ, vì cuộc sống còn nhiều bi kịch từ phạm vi cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia đến nhân loại. Thiếu đến chừng nào thì chắc là nó tỷ lệ thuận với những bi kịch đó cũng như những khổ đau mà chúng ta còn đang phải gánh chịu.
– Từ khi nào “mối bận tâm không bình thường” này (vì “bình thường” là giá đất lên, giá vàng lên…) chiếm vị trí quan trọng đến vậy trong tâm trí anh?
Cái mà anh bảo mối bận tâm không bình thường này tôi có từ khi 5 tuổi, tự nhiên hỏi mẹ là tại sao con lại ở trong gia đình của mẹ mà không phải gia đình khác và con sẽ ở đây bao lâu nữa.
Tôi nhớ hôm ấy tôi bị bỏng chân. Mẹ tôi quạt bánh đa, tôi ngồi đu đưa trên ghế và trượt chân vào nồi than mẹ tôi đang quạt. Sự đau đớn của tôi, sự hốt hoảng của mẹ và sự chia sẻ của hai mẹ con khi mẹ chở tôi đi chơi trung thu ở trường mẹ ngay sau khi chân tôi bị bỏng cho tôi thấy ý nghĩa của tình thương vượt ra ngoài ý nghĩa tình cảm con người thông thường.
Khi đau vì bỏng tôi thấy thương mình, thương người đang làm mẹ thằng bé, rồi thấy hai mẹ con chở nhau tôi cũng thương. Và tôi hiểu tình thương là danh từ, nó tồn tại khách quan như mặt trời vậy và có những yếu tố cấu thành nên nó. Sau này lớn lên tôi mới lý giải được rõ về các yếu tố cấu thành đó và viết thành sách.
Việt Nam – quốc gia của tình thương
Hà Huy Thanh với các nghệ sĩ Thanh Lam, Trần Mạnh Tuấn, Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc mừng một năm ra mắt sách Tình thương. |
– Trong sách anh có đề cập qua, nhưng tôi vẫn muốn hỏi anh có thể phân biệt rõ hơn tình thương – tình yêu – tình người?
Tình thương, nó là khách quan, như ánh sáng mặt trời, như hơi thở và vô điều kiện, nó gồm sự thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp.
Tình yêu là một nguồn năng lượng mà con người kích hoạt được khi có cảm xúc.
Tình người là tình cảm giữa con người với nhau trong cuộc sống hằng ngày.
– Ở cuốn sách đầu tiên, anh đưa ra khái niệm, “hành thuyết tình thương”, “năng lượng tình thương”. Phải chăng tình thương cũng có thể lượng hoá?
Vâng, chúng ta thực hiện đủ 7 yếu tố cấu thành nguyên lý tình thương gồm 3 giải đoạn là thấu hiểu – chia sẻ và kiến tạo giải pháp thì chúng ta đang lượng hoá, và thực hành thường xuyên liên tục thì trong ta sẽ xuất hiện Phật tính và Phật lực để thích nghi với hoàn cảnh và hoá giải nghịch cảnh.
Hà Huy Thanh bên vợ của mình. Tác giả cho biết vợ đã cảm ơn mình vì xem sách của anh là sự gieo duyên đến nhiều người nói chung, trong đó cô và các con trong gia đình nói riêng. |
– Tại sao lại là Việt Nam quốc gia của tình thương?
“Việt Nam quốc gia của Tình thương” là tôi muốn nói đến một nguồn năng lượng kỳ diệu của tình thương giúp mỗi người và cả đất nước rồi nhân loại thích nghi với hoàn cảnh, hoá giải những nghịch cảnh để có một cuộc sống thịnh vượng, đẳng cấp và nhân văn.
Vì tôi sinh ra ở Việt Nam nên tôi dành điều này cho đất nước đầu tiên. Một lý do khác là từ “tình thương” có trong tiếng Việt và ở các ngôn ngữ khác thì không có từ dịch sang mang nghĩa đầy đủ. Tôi mong sau này cả nhân loại sẽ thống nhất từ này và có khái niệm tình thương như một văn hoá chung.
– Cũng ở cuốn sách thứ hai, có một thứ “năng lượng cộng hưởng” cụ thể hơn anh đưa ra thực sự có thể chạm đến mối quan tâm của nhiều người. Đó là khi mỗi người có 4 yếu tố: thân thể khoẻ mạnh, tình cảm cân bằng, trí tuệ sáng suốt, tâm linh mạnh mẽ; thì khi đó mới có thể thấu hiểu bản thân, đạt đến sức mạnh nội tại. Vậy tình thương có thể giúp chúng ta đạt được 4 yếu tố kia, hay ngược lại?
Cái này là mối quan hệ biện chứng, 4 yếu tố trên là cấu thành sự thấu hiểu bản thân, nếu không có nó thì không có tình thương, và khi có tình thương thì chúng ta thấy sự vận động mạnh mẽ của nó.
Tôi học làm kinh tế từ khi 6 tuổi
– Anh có vợ xinh như hoa hậu, hai cô con gái kháu khỉnh và hình ảnh cuộc sống viên mãn có thể thấy một phần qua trang cá nhân của Hà Huy Thanh. Vợ anh “comment” gì về 2 cuốn sách của anh?
Gia đình mà một phước báu và là may mắn lớn nhất cuộc đời, từ gia đình nhỏ, gia đình lớn tôi được sinh ra và gia đình xã hội, cộng đồng tôi đang sinh hoạt.
Vợ tôi cảm ơn tôi vì cô ấy xem viết sách “Tình thương” là sự gieo duyên đến nhiều người nói chung, trong đó cô ấy và các con trong gia đình tôi nói riêng.
– Anh định nghĩa thế nào về “cuộc đời viên mãn”?
Tôi không có định nghĩa, tôi thích các khái niệm hơn, và tôi không có khái niệm viên mãn vì như nói trên, tôi có khát vọng rất lớn cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, nhân loại nên viên mãn và vũ trụ với tôi là giống nhau vậy.
– Đâu là giai đoạn nghèo khó, cơ cực nhất của anh? Gia đình, người thân có giúp được nhiều cho anh lúc ấy?
Tôi là người may mắn. Mặc dù Hà Tĩnh là tỉnh nghèo nhưng từ bé tôi đã thấy cha mẹ tôi đã biết làm kinh tế mặc dù họ là giáo viên và bộ đội. Còn tôi học làm kinh tế từ khi 6 tuổi khi đi bán hàng rong trên quốc lộ 1A và đến giờ vẫn chưa nghỉ nên tôi không có cơ hội cơ cực vì biết làm ra tiền từ bé. Giờ làm kinh doanh thấy như chơi thể thao, không chơi thì buồn lắm. Có lẽ khái niệm cơ cực được tôi hoá giải bằng sự “thấu hiểu – chia sẻ và kiến tạo giải pháp”.
– Còn những thất bại, gây tổn thất lớn cho anh thì sao?
Nhiều vô kể, giống cầu thủ sút cầu môn từ sân tập đến thi đấu. Tôi cũng “sút” liên tục và ra ngoài cũng nhiều, có khi còn nhiều hơn vào trong và sút trượt tất nhiên là buồn đặc biệt là các trận đấu quan trọng, nhưng vì tôi luôn được thi đấu nên chẳng buồn lâu, tôi lại sút tiếp.
– Ở anh có “tính nghệ sĩ” và có nét trong sáng, vô ưu. Khi được say sưa sưa chơi một bản nhạc khó với cây kèn Saxophone và khi viết xong một chương của Tình thương, chuyện gì khiến anh… sung sướng hơn?
Đó là hai cảnh giới của sự thú vị và cao cả. Chơi nhạc với cây kèn giúp tôi hoá giải căng thẳng của thương trường trong sự thú vị; còn viết hay nói về tình thương tôi cảm thấy có sự thoả mãn từ tâm linh, đến trí tuệ, đến tình cảm, đến thể chất. Những lúc đó tôi thấy trong mình đều tràn ngập những điều diệu kỳ.
Danh Anh