Ảnh: Vatican Media.
Trung tuần tháng 4, Hiệp hội Văn hóa Tota Pulchra của Vatican đã mời ông Hà Huy Thanh, tác giả cuốn “Tình thương” dự buổi ra mắt sách tại Vương cung Thánh đường Santa Maria Sopra Minerva.
“Tôi rất bất ngờ và càng bất ngờ hơn khi Giáo Hoàng Francis mời tôi và phái đoàn dự lễ trang trọng tại Quảng trường Thánh Peter. Ngài xuống khán đài danh dự chỗ tôi ngồi, trực tiếp nhận cuốn sách “Tình thương”, nghe thông điệp của tôi và ký vào cuốn sách “Tình thương”, một cử chỉ ấm áp và vô cùng vĩ đại vì sự giản dị”, ông Thanh chia sẻ với NCĐT.
Trao đổi với Giáo Hoàng Francis, ông Thanh nói về hội thảo quốc tế “Tình thương – Chìa khóa cho vấn đề toàn cầu”, cũng là tiêu đề chương 11 trong cuốn sách “Tình thương” tôi viết từ năm 2017.
Theo tác giả, Tình thương về mặt nguyên lý là sự “thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp” khi đưa vào thực hành sẽ tạo ra nguồn năng lượng nội sinh, giúp chúng ta “thích nghi” và “hóa giải” hoàn cảnh, theo tác giả Hà Huy Thanh.
Vấn đề của nhân loại sinh ra từ vấn đề cá nhân, mỗi một người dù là nhà lãnh đạo, hay người yếm thế, đều có các vấn đề nội tại cần giải quyết, khi ta không nhận ra vấn đề, không thừa nhận vấn đề, và không tự giải quyết, chúng ta sẽ tạo thêm vấn đề hoặc giải quyết sai vấn đề gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho cá nhân và cộng đồng, nhân loại.
Hành trình Tình thương là hành trình tìm về cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc. Điểm chung của mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, mỗi con người là “Tình thương”. Nếu chúng ta thức tỉnh nguồn năng lượng Tình thương trong mỗi con người thì chúng ta sẽ có một nhân loại của “Tình thương”.
“Tôi tin rằng, cả nhân loại sẽ đồng hành cùng nhau trên hành trình Tình thương – hành trình tìm về bản thể cao quý, linh hồn của nhân loại. Khi đó linh hồn của mỗi con người sẽ được cứu rỗi bằng “Tình thương”, ông Thanh nói.
Nguyên lý của sự cứu rỗi ở đây là giúp tần số rung động cảm xúc ở mỗi con người cao hơn khi họ đánh thức được nguồn năng lượng này. Khi tần số năng lượng cao, chúng ta sẽ cộng hưởng được với những tần số cao, đó là nguồn gốc của những rung động cao quý, những ý niệm tốt đẹp để mỗi người vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để “thích nghi” và “hóa giải” hoàn cảnh của cá nhân và xã hội và xây dựng một cộng đồng thịnh vượng, cao quý và nhân văn.
Cuốn sách “Tình thương” dày 150 trang, được dịch sang tiếng Ý và xuất bản tại Rome, ghi chép những chứng minh, sự trải nghiệm và những bài học về tình thương qua lịch sử Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp kết nối tình thương trong xã hội hiện đại.
“Tôi biết ơn Vatican, Giáo Hoàng Francis và Đức Ông Jean-Marie Gervais đã ban tặng cho tôi một vinh dự đặc biệt, trong ngày Di sản Văn hóa Thế giới”, tác giả cuốn “Tình thương” nói.
Tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, người tiên phong ứng dụng nguyên lý tình thương, đã phát biểu ở hội nghị Vì một châu Á thống nhất (One Asia).
“Tôi tin rằng “Tình thương” có trong bản thể mỗi con người, chúng ta cần đánh thức nguồn năng lượng này bằng thực hành đúng phương pháp, hành trình khai phóng nguồn năng lượng này cũng chính là hành trình thức tỉnh tâm linh, khai mở và giác ngộ”, Giáo sư nói.
Trong cuốn sách “Tình thương”, tác giả bàn về một vấn đề cốt lõi của nhân loại, đó là tình thương. Triết luận tình thương được ông phân tích, chiêm nghiệm, diễn giải qua lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Nhưng ở đây, Giáo sư Dũng muốn đề cập đến khía cạnh thú vị của bản thân. Nhờ đọc cuốn Tình thương, ông đã có được 2 thành công.
Thứ nhất, cảm nhận về sự chia sẻ. Điều này tạo cảm hứng cho ông viết bản tham luận quốc tế, đại diện cho Việt Nam trình bày trước 600 nhà khoa học đến từ 31 quốc gia tại One Asia. Thứ 2, chuyển tải quan điểm của tác giả cuốn sách đến các bạn trẻ về sự chia sẻ và thấu hiểu. Tình yêu thương gắn với mỗi con người.
“Khi chúng ta thực sự hiểu mình muốn gì theo từng mốc thời gian được xác định cụ thể và biết mình đang ở đâu một cách vững vàng với 4 trụ cột thân thể – tình cảm – trí tuệ và tâm linh thì lúc đó bạn mới có động lực và nguồn lực để xác định một phương thức, một con đường cho mình”, Giáo sư Dũng trích dẫn một đoạn trong cuốn sách.
Trong một trích đoạn khác, Giáo sư Dũng muốn người đọc cùng suy ngẫm: “Không ai quá nghèo để không có cái để ban tặng và không ai quá giàu để từ chối sự ban tặng của người khác về cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Cách nhanh nhất để bạn biết bạn mạnh nhất điểm gì là hãy suy nghĩ khi bạn đã qua cuộc đời này, đến cuối cuộc hành trình thì thành tựu lớn nhất, di sản có ý nghĩa nhất mà bạn muốn để lại cho những người đời sau là gì?”
Tác giả Hà Huy Thanh chỉ mới bước vào tuổi “tứ thập nhi lập” nhưng đã đặt được nền móng cho các bạn trẻ về cuộc sống, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận xét.
“Xét cho cùng thì khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều không ngoài mục đích là phát hiện ra các quy luật và phương thức vận dụng chúng. Có mục tiêu thì cơ hội sẽ đến, mục tiêu càng rõ cơ hội đến càng nhanh.
Mark Zuckerburg, ông chủ Facebook có 51,8 tỉ USD và năm 2016, vào đúng ngày sinh cô con gái đầu lòng, anh đã tặng 99% cổ phần của mình (khoảng 45 tỉ USD) để làm từ thiện. Mark đã thực hành một cách triệt để nguyên lý là chỉ có thể đi đến điều mình muốn bằng ban tặng và biết ơn thông qua tinh thần chia sẻ”.
Nói tới đây, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng không trích dẫn thêm nhiều hơn nữa, ông muốn để các bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ tự đọc và suy nghĩ về nội dung được viết trong cuốn sách này.
Tác giả Hà Huy Thanh sinh năm 1982 ở Hà Tĩnh, là cháu nội cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Từ khi còn là sinh viên đã triển khai nhiều dự án cộng đồng, tham gia biên dịch bộ sách Sơ đồ tư duy của Tony Buzan. Cuối năm 2017, Hà Huy Thanh ra mắt cuốn sách đầu tay có tựa đề Tình thương, đưa ra một khái niệm về văn hóa tình thương, một chìa khóa cho các vấn đề toàn cầu. Cuối năm 2018, ông ra mắt cuốn sách thứ 2 Việt Nam – quốc gia của tình thương. |