Ngày 7/7, tác giả Hà Huy Thanh ra mắt sách song ngữ Việt – Anh: Compassion – Tình thương (NXB Hội Nhà văn phát hành).

7 năm trước, tác giả Hà Huy Thanh đã viết Tình thương, từ đó có thêm nhiều bạn mới xong cũng mất đi một số mối quan hệ cũ.

“Tôi hiểu đó là góc nhìn của mỗi người. Khi viết Tình thương, tôi tin cuốn sách cần thiết cho mỗi người, dù họ là ai. Nhưng khi cuốn sách ra đời được 7 năm, tôi mới thấm thía mình cần nó và tư tưởng trong tác phẩm để thực hành mỗi ngày, cho sự thích nghi và hoá giải các vấn đề trong cuộc sống, để những thành tựu, chiến lược lần lượt xuất hiện từ hạt giống niềm tin”, tác giả bày tỏ.

W-eef81d6cb9571b094246.jpg
Tác giả Hà Huy Thanh.

Tại lễ ra mắt, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định, tình thương chính là con đường của thấu hiểu và chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, mỗi ngày lên trang cá nhân đều thấy con người đang chìm đắm trong bóng tối của sự vô cảm, ích kỷ, tham lam và hận thù: “Người ta đã và đang dự báo về ngày tàn lụi của thế gian, song nó không bắt nguồn từ việc băng sẽ tan ở Bắc Cực, những cơn động đất, sóng thần khủng khiếp, một thiên thạch đâm vào Trái đất, đại dịch bùng phát… mà đó là ngày con người tắt đi ngọn lửa của tình yêu thương”.

W-0e565119db21797f2030.jpg
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.

“Khi tình yêu thương trên thế gian vụt tắt là lúc bóng tối của sự chết chóc trùm phủ thế gian. Khi tình thương rời khỏi con người thì họ trở thành hoang thú. Con đường lớn nhất của nhân loại đã đi và tiếp tục đi là con đường mang tên tình thương. Tác giả Hà Huy Thanh đã nhận ra toàn bộ điều đó, viết ra cuốn sách Tình thương”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sách Tình thương không phải là giáo trình về giáo dục học, tâm lý học, đạo đức học hay tôn giáo. Cuốn sách là vẻ đẹp và những nguyên lý đời sống, của một người đã sống, chiêm nghiệm, thức tỉnh và cất tiếng bằng trí tuệ, lương tri của mình với đồng loại.

PGS. TS Nguyễn Văn Hạnh, giảng viên cao cấp, khoa Sư phạm khoa học xã hội, Đại học Sài Gòn cho rằng, không có tham vọng trở thành nhà lập thuyết, những gì Hà Huy Thanh thể hiện trong cuốn Tình thương chỉ là sự sẻ chia, trên tinh thần đối thoại với người, với mình, về nguyên lý tình thương.

“Đọc cuốn sách, mỗi người phải đặt mình vào tâm thế của người trong cuộc, có tinh thần đối thoại, thấu hiểu, sẻ chia. Qua đó, trí và hành, đạo và đời, tư tưởng và hành động, thống nhất thành một thể bất phân. Chỉ có như thế mới thấy được ý nghĩa thực tiễn, nhân văn, chứa đựng tinh thần khai sáng, qua thông điệp về tình thương của tác giả”, ông Hạnh nhận xét.

W-1ea8ba3dde067c582517.jpg
Cuốn sách cũng có phiên bản điện tử. 

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng khẳng định, cuốn Tình thương cần có trong tủ sách mỗi gia đình.

“Có thể nói, tác giả Hà Huy Thanh đã từ đời đến với đạo, đưa đạo đến với đời một cách tự nhiên, hồn nhiên nhất. Đọc sách Tình thương với 13 chương ngắn, sáng rỡ câu chữ được chắt lọc từ những trải nghiệm của tác giả, mỗi người trong chúng ta sẽ có suy nghiệm riêng thú vị, để cùng tác giả đối thoại về một vấn đề lớn có nghĩa nhân sinh, văn hóa: ‘Tình thương chìa khóa cho vấn đề toàn cầu’. Tình thương thuộc về những con người có tấm lòng cao cả. Nếu mỗi người trong chúng ta trở thành sứ giả của tình thương thì thiên hà sẽ thêm muôn vàn vì sao sáng”, ông Thắng khẳng định.

Ảnh: T.Lê

Nguồn: https://vietnamnet.vn/ngay-the-gian-tan-lui-la-khi-con-nguoi-tat-di-ngon-lua-cua-tinh-thuong-2299329.html